Cần làm gì để cải thiện điều kiện giam giữ ở các nhà tù Việt Nam?



Nguyễn Vũ Hiệp

Các tù nhân chính trị ở Việt Nam và gia đình họ đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng giam giữ mà họ phải chịu đựng. Theo đó, thì nhà tù Việt Nam có rất nhiều vấn đề, từ điều kiện dinh dưỡng, y tế, lao động, nhiệt độ, ánh sáng, vệ sinh, cho đến nạn tham nhũng và các thủ đoạn tra tấn. Giới hoạt động nhân quyền cũng đã thành lập nhiều tổ chức, và thường xuyên tiến hành các hoạt động để cải thiện điều kiện sống của các tù nhân chính trị. Tuy nhiên, chúng ta cần đối mặt với một thực tế rằng điều kiện giam giữ trong các nhà tù Việt Nam không chỉ hủy hoại các tù nhân chính trị, mà còn hủy hoại khoảng 130.000 tù nhân người Việt Nam khác về mặt thể chất và nhân cách.

Khi nhà tù không giúp cải tạo con người, mà làm họ bị hủy hoại, thì nó gây hại cho xã hội thay vì phục vụ xã hội, ngoài việc gây ra những đau khổ cá nhân cho từng người tù, nó còn gây hại thông qua lượng tù nhân có thể tái hòa nhập với cộng đồng và lượng tù nhân tái phạm. Chẳng hạn, hồi năm 2012, ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết một nửa số tội phạm bị bắt, xử lý mỗi năm là những trường hợp tái phạm [1]. Phạm nhân có thể tái phạm vì những vấn đề tâm lý phát sinh trong thời gian ở tù, từ việc họ thiếu kiến thức và kỹ năng lao động để tái hòa nhập cộng đồng, và từ việc họ bị xã hội kỳ thị.
Vì vậy, giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam nên đấu tranh để cải thiện điều kiện giam giữ trong mọi nhà tù Việt Nam nói chung, thay vì chỉ đấu tranh để cải thiện điều kiện sống của các tù nhân chính trị. Bởi nếu làm thế, họ sẽ bảo vệ được quyền con người của cả giới hoạt động lẫn 130.000 phạm nhân người Việt Nam. Và khi đem lại một môi trường và một tương lai tốt hơn cho những người từng phạm tội, họ cũng sẽ đem lại nhiều thay đổi tích cực cho xã hội Việt Nam.
Vậy trong bối cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam và thế giới, vận động để thay đổi hệ thống nhà tù ở Việt Nam có phải là một việc khả thi hay không? Tôi cho là có. Chúng ta có sẵn cả những bộ tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện giam giữ, những tổ chức nhân quyền quốc tế từng làm việc với các chính quyền Đông Nam Á để xây dựng hệ thống nhà tù hợp chuẩn, lẫn những cơ chế cho phép chính quyền chủ động cải thiện hệ thống nhà tù. Chúng ta cũng có những người trực tiếp hưởng lợi từ một hệ thống nhà tù tốt hơn, như những nhà hoạt động đã, đang hoặc sẽ đi tù, và gia đình, bạn bè của họ. Chúng ta chỉ còn thiếu một thứ, là sự sẵn sàng phối hợp của các bên liên quan.

Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày những hạn chế của hệ thống nhà tù ở Việt Nam, thông tin về một bộ tiêu chuẩn quốc tế giúp cải thiện hệ thống nhà tù, và một phương án phối hợp giữa các bên liên quan sao cho vấn đề được giải quyết.

I. Những hạn chế của hệ thống nhà tù ở Việt Nam

Trước năm 1996, các trại giam của Việt Nam có thể trực thuộc một trong hai bộ, là Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Sau năm 1996, hệ thống trại giam do Bộ Công an quản lý.

Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, hiện có hai văn bản chính quy định cách vận hành và điều kiện giam giữ của các nhà tù. Đó là Luật Thi hành Án Hình sự thuộc Bộ luật Hình sự [2], và Văn bản 05/VBHN-BCA, được Bộ Công an ban hành vào ngày 16/12/2015, để quy định chế độ ăn, mặc ở, chăm sóc y tế đối với phạm nhân [3]. Nếu so sánh Văn bản số 05/VBHN-BCA vào năm 2015 với Nghị định 60-CP ngày 16 tháng 9 năm 1993, ban hành Quy chế Trại giam [4], ta sẽ thấy trên các văn bản luật, điều kiện giam giữ ở Việt Nam cũng đã được cải thiện phần nào. Chẳng hạn, nếu vào năm 1993, hằng tháng phạm nhân được cấp khẩu phần ăn bằng 15 kg gạo, 0,8 kg thịt và cá, cùng lượng chất đốt tương đương 15 kg củi, thì vào năm 2015, những con số này lần lượt là 17 kg gạo, 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá và 17 kg củi.

Tuy vậy, có thể nói độ cải thiện giữa hai văn bản là không đáng kể, và văn bản hiện hành vẫn còn nhiều thiếu sót, như sẽ đề cập đến ở phần sau.

Vậy trong thực tế, điều kiện giam giữ tù nhân chính trị ở Việt Nam nói riêng, hệ thống nhà tù ở Việt Nam nói chung đang có những hạn chế nào?

Dưới đây, để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và giải pháp khả thi, tôi xin tạm chia các hạn chế này thành hai loại, là hạn chế do không làm đúng luật, và hạn chế do luật có thiếu sót.

1. Những hạn chế phát sinh do vi phạm luật và quy định về điều kiện giam giữ
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã công bố một bản báo cáo về tình trạng bị hành hạ, ngược đãi của các tù nhân chính trị ở Việt Nam [5]. Theo bản báo cáo này, thì trong nhiều vụ hành hạ, ngược đãi tù nhân, các văn bản quy định cách vận hành của hệ thống nhà tù Việt Nam đã bị vi phạm một cách có hệ thống. Chẳng hạn, nhiều trại giam có những quy định riêng, trái với quy định của pháp luật. Nhiều tù nhân bị giam giữ trong một thời gian dài mà không hề được liên lạc, tiếp xúc với gia đình, luật sư hoặc bác sĩ độc lập, dù các văn bản luật có quy định rõ về thời lượng liên lạc bằng thư từ, điện thoại và thăm thân. Người ta cũng tra tấn tù nhân bằng cách cho họ ăn thức ăn dành cho chó (dù khẩu phần ăn và chế độ ăn tập thể của phạm nhân đã được luật quy định), và bằng cách xúi các tù nhân khác hành hung họ (dù luật quy định rằng quản giáo phải giữ an ninh, trật tự trong tù).

Cũng có trường hợp nhà tù từ chối phát thuốc hoặc điều trị y tế cho các tù nhân để ép họ nhận tội (dù luật quy định rõ tiêu chuẩn điều trị y tế trong trại giam). Chẳng hạn, bà Trần Thị Thúy bị u cổ tử cung và mụn nhọt nặng, nhưng không được điều trị [6], dù điều 48 Luật Thi hành Án Hình sự quy định rằng bà có quyền đó. Tương tự, nhà tù cũng có thể gây sức ép bằng cách từ chối cung cấp các vật dụng tối cần thiết cho tù nhân. Chẳng hạn, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không được cấp băng vệ sinh, cũng không được nhận băng mà người thân đưa vào [7], dù điều 43 Luật Thi hành Án Hình sự quy định rằng “phạm nhân nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ”.

Tù chính trị không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng khi quy định về điều kiện giam giữ bị cán bộ nhà tù vi phạm. Ở nhiều nhà tù, cán bộ sẵn sàng phạm luật để khai thác các phạm nhân nói chung. Chẳng hạn, theo một bản báo cáo được nhóm Lao Động Việt phổ biến vào năm 2016, thì cán bộ tham nhũng là chuyện quen thuộc trong các nhà tù Việt Nam [8]. Thực tế này cũng được mô tả một phần bởi các nguồn tin chính thống. Chẳng hạn, trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Đại tá Phan Xuân Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý Phạm nhân – Trại viên thuộc Bộ Công an, thừa nhận rằng có nhiều trường hợp “cán bộ sơ ý”, khiến điện thoại di động có 3G và ma túy được tuồn vào nhà tù cho phạm nhân.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2013, hàng trăm phạm nhân trong trại giam Xuân Lộc cũng đã nổi loạn, bắt giám thị trại làm con tin, để buộc trại phải cải thiện điều kiện giam giữ. Theo tù nhân cung cấp tin (có lẽ là một trong 10 tù chính trị bị giam trong trại vào thời điểm đó), thì họ nổi loạn để phản đối cán bộ trại “ngược đãi, đánh đập, cắt xén khẩu phần ăn của tù nhân”.

Ngoài ra, kết quả lao động của tù nhân có lẽ là nguồn thu lớn nhất cho các cán bộ trại giam tham nhũng. Nếu những nhân chứng trong bản báo cáo của nhóm Lao Động Việt không đưa tin sai, thì khi ở tù, họ thường xuyên phải lao động quá thời lượng mà luật pháp quy định, mà không được hưởng đầy đủ thành quả lao động của mình theo quy định tại điều 29 và 30 của Luật Thi hành Án Hình sự.
Như vậy, việc vi phạm quy định giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam nhiều khi không đến từ lý do chính trị. Trong nhiều trường hợp, nó xuất phát từ những nhu cầu, hoàn cảnh riêng của các bộ phận cán bộ và phạm nhân trong từng trại giam. Do đó, nếu muốn cải thiện điều kiện giam giữ ở Việt Nam một cách đồng bộ, ta không thể chỉ thay đổi đường lối chính trị của chính quyền, mà còn cần bàn tay của giới chuyên môn.

2. Những hạn chế phát sinh do thiếu sót của luật và quy định về điều kiện giam giữ

Luật và quy định về điều kiện giam giữ hiện nay chắc chắn chưa đem lại cho các phạm nhân Việt Nam một cuộc sống văn minh tối thiểu. Chẳng hạn, các văn bản hiện hành không hề quy định tiêu chuẩn về điều kiện nhiệt độ, ánh sáng của nơi giam giữ, cũng như lượng điện, nước sinh hoạt và giấy vệ sinh được cấp cho các tù nhân. Trong nhiều trường hợp, các buồng giam tập thể chứa quá nhiều người. Trong khi đó, so với khẩu phần ăn, thì điều kiện nhiệt độ, nước sinh hoạt và tình trạng vệ sinh cũng quan trọng với sức khỏe phạm nhân không kém.

Nhờ khoảng trống này trong các văn bản luật, nhiều tù nhân chính trị ở Việt Nam đang bị tra tấn một cách hợp pháp. Chẳng hạn, khi ở tù, ông Trương Duy Nhất không được cấp giấy vệ sinh, và còn thường xuyên bị cắt nước sinh hoạt [10]. Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị nhốt trong một phòng giam không có đủ ánh sáng vào ban ngày, lại thường xuyên bị cúp điện, khiến gia đình phải xin phép gửi đèn pin vào cho ông [11]. Ông Nguyễn Văn Đài bị giam trong phòng có hai cửa sổ lớn đối diện nhau, gây gió lùa mạnh, hướng cửa sổ khiến tù nhân phải chịu nóng trong mùa hè và chịu lạnh trong mùa đông [12].

Ngoài ra, chế độ mặc và cấp phát nhu yếu phẩm của phạm nhân không thể xem là đầy đủ. Chẳng hạn, theo điều 14 của Văn bản số 05/VBHN-BCA năm 2015, thì chỉ phạm nhân dưới tuổi thành niên, ở các trại giam từ Thừa Thiên – Huế trở ra, mới được cấp phát bít tất trong mùa đông.

Thêm nữa, cần lưu ý rằng các quy định hiện hành cho cán bộ trại giam một khoảng tự do rất lớn, để họ điều chỉnh điều kiện sống của phạm nhân theo ý muốn. Chẳng hạn, điều 8 của Văn bản số 05/VBHN-BCA năm 2015 vẫn cho phép cán bộ trại thay đổi khẩu phần ăn của phạm nhân một cách tùy tiện. Văn bản này cũng cho phép cán bộ trại tùy ý kiểm duyệt để loại bỏ các sách báo, văn hóa phẩm được gia đình gửi vào cho phạm nhân, mà không cần tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào. Do kẽ hở này của luật, ông Đặng Xuân Diệu đã tuyệt thực nhiều ngày để được nhận một quyển Kinh thánh [13].

Các quy định hiện hành cũng không nói rõ rằng nếu gia đình gửi quà cho phạm nhân bằng đường bưu điện, thì sau khi nhà tù nhận được, họ phải chuyển quà cho phạm nhân sau bao lâu. Vì vậy, thùng quà của nhiều tù nhân như Trương Minh Đức và Dương Âu đã bị nhà tù giữ lại suốt nhiều tháng [14].

Theo bản báo cáo năm 2016 của tổ chức Ân xá Quốc tế, thì chính quyền cũng gây áp lực với tù nhân chính trị bằng một thủ thuật hợp pháp, là chuyển trại. Bằng cách chuyển tù nhân đến những trại giam ở xa nơi cư trú cũ của họ, chính quyền khiến gia đình và bạn bè họ gặp khó khăn khi thăm nuôi, qua đó khiến họ nản chí. Ngoài ra, chính quyền cũng có thể dùng việc chuyển trại để tra tấn, vì đôi khi người chuyển trại bị cùm và không được ăn uống suốt 24 giờ. Vì những lý do này, ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) từng bị chuyển 20 lần, qua 11 nhà tù, chỉ trong 6 năm rưỡi [5].

Sau cùng, cần lưu ý rằng người bị tạm giam, tạm giữ trong quá trình điều tra còn phải chịu điều kiện sống khổ cực hơn nhiều so với phạm nhân. Họ phải ở trong diện tích chật chội hơn, và không được đọc báo, xem TV, hay ra ngoài để tập thể thao như phạm nhân đang thi hành án [15]. Đây là một nghịch lý, vì khác với phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ vẫn được xem là vô tội và vẫn có quyền công dân. Có ý kiến cho rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt này là một hình thức trấn áp tinh thần, để buộc người bị tạm giam phải khai báo [15].

Điều kiện tạm giam tồi tệ đã gây ra những hậu quả đo đếm được trong thực tế. Trong năm 2017, có ít nhất 12 trường hợp người chết khi bị tạm giam. Trong hầu hết các trường hợp, phía công an tuyên bố rằng người bị tạm giam chết do “bệnh lý” hoặc “tự tử”. Cần lưu ý rằng con số này đã giảm so với giai đoạn trước năm 2015, khi Quốc hội ban hành luật về tạm giam, tạm giữ. Chẳng hạn, từ năm 2011 đến năm 2014, có 226 trường hợp người chết trong khi bị tạm giữ, tạm giam [16].

II. Người Việt Nam có đủ sức tự cải tạo hệ thống nhà tù ở Việt Nam không?

Những thông tin đã được đưa ra trong bài buộc chúng ta phải đối mặt với hai thực tế.

Thứ nhất, hầu hết những khổ cực mà các tù nhân chính trị ở Việt Nam phải chịu đựng xuất phát từ những hạn chế chung của hệ thống nhà tù ở Việt Nam. Ngay cả khi chính quyền muốn chủ động hành hạ tù chính trị, thì họ cũng không thể dễ dàng làm điều đó, nếu không được những hạn chế chung của hệ thống nhà tù cho phép. Mặt khác, không chỉ tù chính trị, mà 130.000 phạm nhân khác ở Việt Nam cũng đang phải chịu đựng những nỗi khổ đó, dù ít hay nhiều. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ đấu tranh đòi cải thiện đời sống của từng tù nhân chính trị đơn lẻ, mà không tìm cách chuẩn hóa hệ thống nhà tù ở Việt Nam, thì mọi nỗ lực của chúng ta sẽ chỉ như ném đá ao bèo, vì không giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Thêm nữa, đấu tranh để các tù nhân chính trị Việt Nam được hưởng một đời sống tốt hơn mức chung bình của những phạm nhân còn lại là một sự lựa chọn không đẹp về mặt lý tưởng nhân quyền, và không thông minh về mặt chính trị. Như vậy, thay vì đấu tranh để cải thiện điều kiện sống của từng tù nhân chính trị ở Việt Nam, ta nên vận động chính quyền cải tạo hệ thống nhà tù ở Việt Nam, sao cho đạt một hệ tiêu chuẩn mà các bên liên quan đều chấp nhận được.

Thứ hai, ngay cả khi các cơ quan trung ương của chính quyền Việt Nam thật sự muốn cải thiện hệ thống nhà tù, họ cũng chưa chắc đã làm được việc đó. Điều kiện giam giữ ở mỗi trại giam lệ thuộc rất nhiều vào đặc điểm riêng của cán bộ trại, của các nhóm phạm nhân trong trại, và của tình hình xã hội tại địa phương. Trong khi đó, trung ương lại không có những hệ thống giám sát – điều tra tương đối khách quan để nghiên cứu cuộc sống của phạm nhân trên cả nước, và để phát hiện những sai phạm ở từng trại giam. Trung ương dường như cũng thiếu những chuyên gia có khả năng làm việc chung để thiết kế một hệ thống nhà tù chuẩn mực.

Trong khi đó, giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng không có khả năng chỉ cho chính quyền biết họ phải làm gì. Trong thực tế, nhiều nhà hoạt động Việt Nam không hiểu sâu về cơ chế vận hành của các hệ thống nhà tù, dù họ thường đấu tranh đòi cải thiện đời sống của tù nhân chính trị. Chẳng hạn, hồi năm ngoái, gia đinh một tù nhân chính trị từng lên án chính quyền về việc không cho họ thăm nuôi. Giới hoạt động trong và ngoài nước đều đăng lại tin, và cùng công kích chính quyền, mà không để ý rằng khi cán bộ trại giam bắt gia đình phạm nhân trình giấy của địa phương trước khi cho thăm, họ đã làm đúng thủ tục được quy định trong Luật Thi hành Án Hình sự.

Bản báo cáo năm 2016 của nhóm Lao Động Việt [8], rằng các phạm nhân ở Việt Nam bị “cưỡng bách lao động”, “bóc lột sức lao động” mà không được hưởng lương, là một ví dụ khác. Theo điều 30 Luật Thi hành Án Hình sự, thì tiền thu được từ công sức lao động trong giờ quy định của phạm nhân đã được tính vào chi phí sinh hoạt của phạm nhân. Như vậy, nếu Lao Động Việt đọc luật Việt Nam trước khi làm bản báo cáo, họ sẽ chỉ việc trích dẫn luật, thay vì hỏi từng phạm nhân xem họ có được trả lương hay không, rồi tỏ ra bất ngờ trước câu trả lời. Thêm nữa, nếu Lao Động Việt tìm hiểu các văn bản quốc tế liên quan đến điều kiện giam giữ tù nhân, họ sẽ thấy việc phạm nhân phải lao động trong tù là một thông lệ. Chẳng hạn, theo điều 71 trong bộ Các Quy tắc Tiêu chuẩn Tối thiểu về Đối xử với Tù nhân của Liên Hợp Quốc (thường gọi tắt là Quy tắc Nelson Mandela), thì “mọi tù nhân đang chấp hành án đều phải lao động”, và “phải có đủ lượng công việc hữu ích để giữ tù nhân làm việc tích cực trong một ngày lao động bình thường” [71]. Như vậy, vấn đề của hệ thống nhà tù Việt Nam không nằm ở chỗ nó bắt phạm nhân lao động, như bản báo cáo của Lao Động Việt nêu ra, mà nằm ở chỗ nó bắt phạm nhân lao động trong những điều kiện không đạt chuẩn, và cán bộ trại lợi dụng việc này để tham nhũng.

Vì cả chính quyền lẫn giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đều không có giải pháp cải tạo hệ thống nhà tù, mỗi lần giới hoạt động đòi chính quyền cải thiện đời sống của các tù nhân, hai bên sẽ chỉ đi đến những cuộc giằng co vô bổ và những giải pháp vá víu. Như vậy, để hai bên tìm được một phương hướng chung, nhằm đạt được một lối thoát chung, có lẽ giới hoạt động Việt Nam nên kêu gọi chính quyền cải tạo hệ thống nhà tù theo một bộ tiêu chuẩn quốc tế sẵn có, và sử dụng sự hỗ trợ của những nhóm chuyên gia quốc tế sẵn có.

III. Làm thế nào để cải tạo hệ thống nhà tù ở Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế?

Để chuẩn hóa hệ thống nhà tù ở Việt Nam theo kịch bản trên, chúng ta cần tìm được ba thứ.

Thứ nhất, là một bộ tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện giam giữ. Bộ tiêu chuẩn này phải giúp các tù nhân có một cuộc sống văn minh tối thiểu, và phải khả thi để đem áp dụng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Ngoài ra, nếu thế đứng ngoại giao hiện nay của chính quyền Việt Nam khuyến khích họ tuân thủ bộ tiêu chuẩn này thì càng hay.

Thứ hai, là một tổ chức quốc tế từng hỗ trợ các chính quyền trong việc cải tạo hệ thống nhà tù. Tổ chức này phải có trọng lượng trong mắt chính quyền Việt Nam, và không quá đối kháng với họ về đường lối chính trị.

Thứ ba, là một trình tự liên lạc và phối hợp giữa các bên liên quan, sao cho họ không làm nhau khó xử về mặt chính trị.

Trong giới hạn hiểu biết của mình, tôi xin đề nghị một gói giải pháp mà tôi cho là khả thi, bao gồm ba điểm như sau:

1. Dùng bộ tiêu chuẩn quốc tế nào?

Hiện nay, các nước trên thế giới có nhiều hệ tiêu chuẩn khác nhau về điều kiện giam giữ tù nhân. Nhưng nhìn chung, các nước đều được khuyến khích tuân thủ bộ Các Quy tắc Tiêu chuẩn Tối thiểu về Đối xử với Tù nhân (thường gọi tắt là Quy tắc Nelson Mandela), được thông qua trong Cuộc họp lần thứ nhất của Liên Hợp Quốc về Tội phạm và Đối xử với Người Phạm tội, được tổ chức năm 1955 tại Geneva, Thụy Sỹ [17]. Tôi nghĩ để cho đơn giản, giới hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước nên vận động chính quyền Việt Nam tuân thủ bộ quy tắc này, vì bốn lý do.

Thứ nhất, chính quyền Việt Nam đang được khuyến khích tuân thủ bộ quy tắc này, vì họ là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Thứ hai, luật pháp hiện tại của Việt Nam và bộ quy tắc này không cách nhau một khoảng quá xa.

Thứ ba, vì đây là một bộ quy tắc tối thiểu mà Liên Hợp Quốc đã thông qua, khi giới hoạt động Việt Nam vận động chính quyền tuân thủ bộ quy tắc này, họ sẽ danh chính ngôn thuận trong mắt mọi lực lượng cả trong lẫn ngoài nước.
Thứ tư, bộ quy tắc này vừa giúp khắc phục nhiều hạn chế quan trọng của hệ thống nhà tù Việt Nam hiện tại, vừa đáp ứng hầu hết đòi hỏi cải thiện cuộc sống mà các tù nhân chính trị Việt Nam đang đặt ra. Chẳng hạn, trong bộ Quy tắc Nelson Mandela, điều 10 sẽ đáp ứng đòi hỏi của ông Nguyễn Văn Đài về nhiệt độ và độ thông thoáng, điều 11 sẽ đáp ứng đòi hỏi của ông Trần Huỳnh Duy Thức về điều kiện ánh sáng tự nhiên, điều 12 sẽ đáp ứng đòi hỏi của ông Trương Duy Nhất về giấy vệ sinh, điều 42 sẽ đáp ứng đòi hỏi của ông Đặng Xuân Diệu về quyền đọc Kinh thánh, điều 54 sẽ ngăn chặn các hành vi tra tấn bằng vũ lực, các điều từ 71 đến 76 giúp đảm bảo rằng phạm nhân Việt Nam được lao động trong điều kiện tốt, được hưởng thành quả lao động của mình, không bị cán bộ trại bòn rút, và được chuẩn bị đủ cả tay nghề lẫn tiền vốn để tái hòa nhập với cộng đồng khi chấp hành án xong.

2. Tìm sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế nào?

Trước tiên, để cho đơn giản, người Việt Nam nên tìm sự hỗ trợ từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR). Có hai lý do để làm việc đó.
Thứ nhất, OHCHR rất hoan nghênh chính quyền Việt Nam cải thiện hệ thống nhà tù theo bộ Quy tắc Nelson Mandela, và là cơ quan quốc tế có đủ hiểu biết, kinh nghiệm và thẩm quyền nhất để hướng dẫn họ làm việc này.

Thứ hai, so với nhiều tổ chức quốc tế chuyên bênh vực quyền lợi của tù nhân, OHCHR có tiếng nói hơn trong mắt chính quyền Việt Nam, và việc cộng tác với OHCHR cũng không khiến chính quyền khó xử về mặt chính trị.

Thứ ba, OHCHR có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn các chính quyền cải tạo hệ thống nhà tù. “Chương trình Hỗ trợ Cải cách Nhà tù”, mà họ phối hợp với Bộ Nội vụ Campuchia để thực hiện, là một ví dụ [18]. Trong chương trình này, OHCHR đã giúp chính quyền Campuchia làm bốn việc thiết thực như sau:

- Thiết kế mẫu buồng giam, và xây lại các buồng giam sao cho đáp ứng bộ tiêu chuẩn tối thiểu

- Xem lại quy trình quản lý tù nhân hiện hành để giảm việc lạm dụng, ngược đãi tù nhân và tham nhũng.

- Phát triển các văn bản luật và cung cấp các khóa đào tạo cho các nhân viên trại giam, sao cho hệ thống nhà tù được chuyên nghiệp hóa theo chuẩn quốc tế
- Phát triển một hệ thống độc lập, trực thuộc OHCHR, để giám sát tình trạng của nhiều nhà tù trên cả nước. Kết quả giám sát được gửi cho chính quyền, và giữ bí mật với công chúng, nên được chính quyền Campuchia hoan nghênh.
Chương trình này đã giúp nhiều nhà tù ở Campuchia giải quyết những vấn nạn thực tiễn mà nhiều tù nhân chính trị ở Việt Nam đang phải chịu đựng - như cải thiện hệ thống cửa sổ và hệ thống thông gió để nhà tù có đủ ánh sáng và thông thoáng hơn, cải thiện hệ thống vệ sinh và hệ thống cung cấp nước, hay đảm bảo những nhu cầu của tù nhân nữ.

Ngoài ra, một hướng tiếp cận song song khác cũng có thể được chấp nhận bởi chính quyền Việt Nam. Đó là chuyển việc quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp. Nga đã làm việc này từ năm 1998, còn Trung Quốc đã làm từ năm 1983. Hiện nay, mô hình nhà tù do Bộ Tư pháp quản lý được áp dụng ở hầu hết các nước châu Mỹ, cũng như hầu hết các nước EU (trừ Tây Ban Nha).

Theo Giáo sư Rob Allen - Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Nhà tù (thuộc King's College, Đại học London, Anh), thì hướng cải cách này đem lại nhiều lợi ích [19]. Chẳng hạn, nó không cho phép các cán bộ điều tra dùng việc giam giữ, hoặc tra tấn, bức cung, để buộc người bị giam khai báo hoặc nhận tội. Ngoài ra, so với Bộ Công an, Bộ Tư pháp cũng là mảnh đất màu mỡ hơn cho những cải cách về thủ tục tố tụng hình sự, về điều kiện giam giữ tù nhân, hay những dạng hình phạt thay thế cho giam giữ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Zhou Yong, Giám đốc Viện Phòng ngừa Tội phạm thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc, khẳng định rằng việc chuyển hệ thống nhà tù sang cho Bộ Tư pháp quản lý đã có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống nhà tù và hệ thống pháp luật, giúp đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền [19]. Bộ Tư pháp Trung Quốc cũng đã phát triển một hệ thống thu thập dữ liệu thống kê về các phạm nhân, đóng góp tích cực cho việc cải thiện hệ thống nhà tù ở Trung Quốc.

Trong trường hợp chính quyền Việt Nam chọn hướng cải cách này, họ sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm sự hướng dẫn từ Trung Quốc và Nga.

3. Các bên liên quan liên lạc và phối hợp với nhau theo trình tự nào?

Trước mắt, gia đình các tù nhân chính trị và giới hoạt động nhân quyền Việt Nam có thể thảo một hoặc nhiều thư chung, để vận động OHCHR giúp Việt Nam cải thiện hệ thống nhà tù theo bộ Quy tắc Nelson Mandela, và theo mô hình phối hợp mà họ đã thực hiện ở Campuchia.

Sau khi OHCHR chính thức gửi đề nghị này đến chính quyền Việt Nam, ta tiếp tục kêu gọi quốc tế gây sức ép với chính quyền, để thúc đẩy chính quyền nhận lời đề nghị.

Mỗi lần vận động cho một tù nhân chính trị đơn lẻ, dù là trên dư luận hay trước quốc tế, giới hoạt động cũng không nên nói rằng quyền con người của họ bị vi phạm một cách chung chung. Thay vào đó, cần chỉ ra trong từng vụ việc, chính quyền đã không đáp ứng những điểm nào trong bộ Quy tắc Nelson Mandela, và đã vi phạm những điều khoản nào trong Luật Thi hành Án Hình sự cùng các văn bản liên quan, nếu có chuyện đó. Trong trường hợp chính quyền không phạm luật, cần chỉ rõ luật pháp Việt Nam hiện hành không đáp ứng được bộ quy tắc tối thiểu của Liên Hợp Quốc như thế nào. Đồng thời, ta cũng cần nhắc lại lời đề nghị cải cách hệ thống nhà tù mà OHCHR đã gửi đến chính quyền Việt Nam, để nhắc nhở dư luận, quốc tế và chính quyền về một giải pháp chung, giúp xử lý tận gốc vấn đề, mà ba bên có thể cùng đạt được.

Nếu chính quyền Việt Nam đồng ý phối hợp với OHCHR để cải cách hệ thống nhà tù, giới hoạt động Việt Nam cần ghi nhận bước tiến bộ này của họ, cả trước dư luận lẫn trong các báo cáo nhân quyền hằng năm.

Nếu giải pháp chung này được thông qua, các bên liên quan sẽ đều được lợi. Các tù nhân chính trị được cải thiện chất lượng sống, cùng với mọi phạm nhân Việt Nam khác. Giới hoạt động nhân quyền vừa bảo vệ được quyền lợi của mình và đồng đội, vừa làm được việc tốt cho đất nước, vừa chứng tỏ được năng lực của mình trong mắt quốc tế và người dân. Các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền sẽ thực hiện được chức năng của mình. Chính quyền Việt Nam sẽ đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền, an ninh, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Như vậy, đây là một gói giải pháp mà tất cả các bên liên quan đều có lý do để thực hiện.

Tất nhiên, có nhiều trở ngại chính trị, mà tôi xin không đề cập đến, có thể ngăn những phương án thế này được thông qua. Nhưng tôi tin rằng dù những trở ngại đó là gì, thì chuẩn hóa hệ thống nhà tù ở Việt Nam cũng là việc tốt cho đất nước mà ta nên làm, dù ta là ai, đang sống trong không khí chính trị nào, và đang hướng đến những mục đích chính trị nào trong ngắn hạn.

Có ba lý do khiến tôi tin tưởng như vậy.

Thứ nhất, tôi tin rằng mọi tù nhân chính trị đang bị giam giữ đều muốn lập tức cải thiện chất lượng của hệ thống nhà tù, thay vì trì hoãn nó để duy trì các mâu thuẫn xã hội, nhằm thúc đẩy việc thay đổi thể chế diễn ra nhanh hơn.

Thứ hai, mọi hệ thống chính trị đều có nhu cầu chuẩn mực hóa hoạt động của bộ máy công quyền, nếu nó muốn tồn tại một cách bền vững. Nói cách khác, nhu cầu chuẩn hóa hệ thống nhà tù có ở cả các nước độc đảng lẫn nước đa đảng; cả ở nước Việt Nam độc đảng trong hiện tại lẫn nước Việt Nam đa đảng trong tương lai. Nếu ta không chuẩn hóa hệ thống nhà tù từ bây giờ, thì ta sẽ phải làm nó sau này. Và từ giờ đến khi chuyện đó xảy ra, sẽ có hàng vạn tù nhân chính trị và phạm nhân thường của Việt Nam bị hành hạ, bị mất tương lai, và mất những năng lực mà họ có. Đó là những mất mát không thể đo đếm được đối với cá nhân họ và xã hội. Thêm nữa, những mất mát đó cũng đem lại những bất ổn khó lường cho quá trình thay đổi nói riêng, và cho cả xã hội nói chung.

Thứ ba, trong chế độ dân chủ, người ta chung sống bằng những luật lệ, chuẩn mực mà các bên đều chấp nhận, và cùng chọn người có năng lực chuyên môn để làm việc công, dù có hay không những tranh chấp phe phái. Như vậy, khi ta vận động chính quyền Việt Nam tuân thủ luật pháp của chính họ, tuân thủ một bộ quy tắc của Liên Hợp Quốc, và cải thiện hệ thống nhà tù dưới sự hướng dẫn của OHCHR, ta đang thực hành đời sống dân chủ, chứ không trì hoãn nó hay đe dọa nó.

Vì vậy, tôi xin đề xuất một phương án vận động như trên, để kêu gọi mọi người dành sự chú ý cho vấn đề. Nếu chúng ta may mắn, và việc cải cách nhà tù ở Việt Nam được dư luận quan tâm, các nhóm dân sự khác nhau sẽ còn đưa ra nhiều hướng vận động nữa. Khi đó, tôi xin sẵn sàng ủng hộ những cố gắng này, và đóng góp với tư cách một cây bút độc lập.

Nếu bạn có cùng mối quan tâm, xin liên lạc với tôi qua blog này:

Chú thích:
N.V.H.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn