Tăng trưởng GDP quý III cao đột biến phản ánh điều gì?

Chân Hồ

Chân Hồ nêu câu hỏi, sau đó dẫn nhiều ý kiến của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và các kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Nguyễn Khắc Giang, Phạm Chi Lan, Lưu Bích Hồ, cuối cùng vẫn chẳng có câu trả lời ngắn gọn, dứt khoát nào. Từ ý kiến của các kinh tế gia nêu trên, BVN mạnh dạn rút ra câu trả lời: Không kiến tạo, chỉ làm màu.

Bauxite Việt Nam

GDP quý III của Việt Nam tăng đột biến 7,46% (mức cao nhất trong 6 năm trở lại) khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngờ vực mức độ đáng tin cậy của số liệu. Thậm chí, nhiều chuyên gia từ chối bình luận về con số này.

Tăng trưởng chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp nước ngoài

Tại buổi họp báo Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế đột biến không phải do khai khoáng, cũng không phải vì tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, ông tiết lộ sản xuất thành phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại tăng cao. Dòng điện thoại Galaxy Note 8 mới ra mắt đã đẩy sản xuất tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam tăng cao, nâng giá trị xuất khẩu của Samsung năm 2017 ước tính 50 tỉ USD, chiếm tới  22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này khiến cho Cục Hải quan Bắc Ninh, nơi xử lí thông quan hàng xuất khẩu của Samsung vươn lên đứng đầu cả nước, vượt trên cả TP HCM về kim ngạch xuất khẩu. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu qua hải quan Bắc Ninh đạt 79,34 tỉ USD, tăng 34,9% so với cùng kì năm 2016.

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI, mà đặc biệt là Samsung. Do đó, tăng trưởng GDP cao của Việt Nam trong quý III-2017 được hỗ trợ lớn bởi hãng sản xuất di động lớn từ Hàn Quốc. Điều này cũng gợi nhớ tới sự cố Galaxy Note 7 của Samsung năm trước đã làm xuất khẩu của Việt Nam lao dốc.

Tăng trưởng GDP có đi liền với thực lực quốc gia?

TS Lê Đăng Doanh lưu ý rằng không nên quá lạc quan với tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt khi động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ các doanh nghiệp FDI. Khi các doanh nghiệp này làm ăn tốt lên thì chỉ số kinh tế sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, khi họ làm ăn không tốt, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng không nhỏ. Để nói về chất lượng của tăng trưởng, thường có một chỉ số khác để đo lường, đó là chỉ số tổng thu nhập quốc dân (GNI - Gross National Income). Chỉ số này cho biết mức thu nhập thực tế của quốc gia, không tính đến phần thu nhập của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) như cách tính hiện tại của GDP, do đó sẽ phản ánh được chính xác thực lực của quốc gia đó. Theo đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ nên quan tâm về chỉ số GNI hơn là chỉ tiêu GDP như hiện tại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang, thành viên Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng để đạt được mức tăng trưởng GDP như Tổng cục Thống kê công bố, điều chắc hẳn là Chính phủ đã phải đánh đổi một số yếu tố về mặt vĩ mô, tăng trưởng dựa vào những yếu tố ngắn hạn như đầu tư nước ngoài và khai khoáng nhiều là không bền vững.

Nói về bản chất của GDP, mức độ quan trọng của GDP đến đâu, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng bản chất của GDP được hiểu là tổng nhu cầu cuối cùng (final demand) và chỉ tiêu này thường phản ánh tình hình kinh tế trong ngắn hạn và nhất thời. Thậm chí, nếu tăng biên chế, đầu tư tràn lan không hiệu quả, thổi bong bóng bất động sản… cũng làm tăng GDP. Tất nhiên, hệ quả tất yếu của cách tăng trưởng đó là nguồn lực chung của nền kinh tế bị yếu đi do không xét đến yếu tố hiệu quả.

Do đó, trong trường hợp một đất nước cơ bản là sản xuất gia công, không nên coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Trong một số trường hợp, GDP càng tăng càng làm giảm nguồn lực của nền kinh tế.

Các tồn tại vẫn cần phải được tháo gỡ trong thời gian tới

Về vấn đề liên quan thể chế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận nhận định sự thiếu lành mạnh trong cơ chế hiện nay đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Các thủ tục hành chính, lỗ hổng chính sách và cách thức làm việc hiện nay của các cơ quan nhà nước đang nuôi dưỡng thêm sức ì, hoặc sự phản ứng với cải cách. Điều này khiến doanh nghiệp vận hành theo kiểu "đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì". Do đó, bà Lan nhấn mạnh cải cách thể chế vẫn là việc quan trọng cần tiếp tục thực hiện.

TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng lỗ hổng trong các khâu thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là điều các cơ quan quản lí cần chú ý. Ông cho rằng việc cổ phần hóa DNNN cần được diễn ra trên sàn chứng khoán để bảo đảm tính công khai và minh bạch. "Thoái vốn DNNN mới được 8%, 92% còn lại vẫn ở trong tay nhà nước. Cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn là ông chủ và nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đó không có tiếng nói. Cho nên cần phải thay đổi cơ bản mô hình cổ phần hóa này" - ông Doanh nói.

Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ cho rằng ổn định môi trường kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm cần được ưu tiên ở vị trí số 1, nhất là trong bối cảnh biến động địa chính trị trong khu vực đang ngày càng khó lường, tăng trưởng tín dụng không được vượt quá mức và kiểm soát lạm phát vào thời điểm cuối năm.

C.H (tổng hợp)

Nguồn: http://trithucvn.net/kinh-te/tang-truong-gdp-quy-iii-cao-dot-bien-phan-anh-dieu-gi.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn