Aung San Suu Kyi và cuộc cách mạng vật vã

Tho Nguyen (Đức)

clip_image002

Trong bài “Ủn, Block và cấm vận” tôi khuyên „chớ hy vọng nhiều vào sự chuyển đổi ngoạn mục ở Myanmar“, có bạn không đồng ý. Tôi không phải là một nhà phân tích chính trị có kinh nghiệm, ngược lại là đằng khác. Tôi chỉ biết từ bản thân mình: học tập lối suy nghĩ văn minh khó như thế nào.

Dân tộc Myanmar đã chấp nhận chế độ độc tài 50 năm, chắc chắn phải có lý do của nó. Chế độ độc tài không tự nhiên tồn tại lâu dài để phá huỷ mọi cấu trúc kinh tế xã hội xứ đó như vậy. Nói một cách khác: Chế độ bạo tàn không phải do bạo chúa tạo ra, mà do dân chúng cho phép nó tồn tại

Cùng thời gian với việc Pháp đô hộ Đông Dương thế kỷ 19, Myanmar cũng bị Anh thôn tính và sát nhập vào khối „British India“ (Anh-Ấn). Phong trào Ghandi đã buộc Anh phải từ bỏ chế độ thuộc địa ở tiểu lục địa Ấn Độ và từ đó hình thành các nhà nước: Ấn Độ, Pakistan, Bangla Desh, Sri Lankavà Myanmar. Lịch sử ngàn năm của vùng này là lịch sử của các cuộc xung đột tôn giáo cũng như chủng tộc đẫm máu, là lịch sử của các chế độ nô lệ nặng nề, phân chia xã hội thành các giai tầng khác nhau.

Vì vậy mặc dù ở tất cả các nước này đều có chế độ dân chủ đại nghị, có nhiều đảng phái chính trị, có nền kinh tế thị trường, nhưng chưa nước nào đi xa. Thậm chí Sri Lanka vẫn còn ngập trong nội chiến đến tận 2010 với hàng trăm ngàn người chết. Ở những nền „dân chủ“ này, số phận người dân nông thôn, nhất là phụ nữ, cũng khốn nạn như ở bất cứ địa ngục trần gian nào.

Riêng ở Myanmar thì tư tưởng XHCN đã đưa tướng Nê-Win lên cầm quyền từ 1962 và hậu quả ra sao thì cả thế giới đều thấy. Cái gọi là Liên bang Cộng hòa XHCN Burma (Tên trước kia của Myanmar) không những đã biến một vùng đất giầu có nhất Đông Nam Á thành một địa chỉ cứu trợ nhân đạo thường niên của Liên Hiệp Quốc, mà còn duy trì một cuộc nội chiến kéo xuyên thế kỷ chống lại các cuộc nổi dậy của các dân tộc Shan, Karen và người Kachin theo thiên chúa giáo. Bên cạnh cái nồi da xáo thịt đó còn có cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa các băng đảng người Hoa và người Bamar. Tất cả những xung đột đó là mảnh đất cho chế độ bạo tàn. (1)

Người Hồi giáo ở đâu đó vẫn bị coi là hung dữ thì ở Myanmar lại trở thành sắc dân bị đàn áp nhất, yếu hèn nhất. Việc đàn áp người Rohingya do các Phật tử Myanmar gây ra lâu nay ít đươc biết đến, vì nó bị tội ác của giới quân sự Miến Điện che lấp. Số phận bi thảm của một triệu người Rohingya cũng bị khuất sau số phận của 51 triệu người Miến Điện. Chỉ sau khi chính quyền dân sự của khôi nguyên Hòa bình Aung San Suu Ky ra đời, nhân lọai mới biết rằng đạo Phật có thể khác hẳn những gì người ta biết qua tư tưởng của Dalailama, hay qua các bài thiền của Làng Mai.

Chiến thắng của phe dân chủ Myanmar đưa uy tín một số tổ chức Phật giáo Myanmar lên cao đã khiến cho cuộc diệt chủng người Rohingya của các thế lực này trở nên có hệ thống. Aung San Suu Kyi, niềm hy vọng của cả nhân loại tiến bộ, đã không có bất kỳ hành động nào để chặn đứng cuộc thảm sát này. Phải chăng bà bị giới quân sự trói tay? Nhưng điều gì đã khiến bà, một chiến sỹ nữ quyền, lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của người Rohingya về các vụ hãm hiếp hàng loạt? Tình cảm dân tộc chăng? Một chính khách vỹ đại cũng vẫn có lúc quay về con người tầm thường.

Làn sóng kêu gọi đòi lại giải hòa bình Nobel của bà Aung mấy hôm nay đang dâng cao trên mạng. Nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho Myanmar đang bị xem xét. Một số nhà đầu tư vùng Vịnh đang dừng các hoạt động của họ ở Myanmar. (2)

Cuộc cách mạng dân chủ Myanmar với ngọn cờ của nó mà nhiều người Việt, trong đó có tôi, đã hết lời ca ngợi, cũng có những vết đen ghê người. Còn một quãng đường xa nữa, cuộc cách mạng đó mới đến đích.

Tôi nêu tất cả những chuyện lịch sử khó hiểu này của nước Myanmar ra chỉ để nói lên sự thật cay đắng: Mỗi dân tộc chỉ được hưởng thành quả tương xứng với tầm vóc văn hóa, lịch sử của chính dân tộc đó.

Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ không cảm thấy bất hạnh khi biết giáo sư Tương Lai tuyên bố ra khỏi đảng để sống với quá khứ Hồ Chí Minh của ông. Lý lẽ của ông là điều đáng tranh luận, nhưng ông dám làm theo lương tâm là điều không ai có thể bác bỏ.

Những người chửi bới ông thực ra đang suy nghĩ giống những tăng lữ phật giáo Myanmar, hiện đang chôn vùi thành quả của chính họ và nhân dân.

Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy người Áo, người Do Thái, hay người Việt Nam chỉ xứng đáng được hưởng một giang sơn như tầm vóc và sự hy sinh của họ mà thôi. Nghe thấy buồn nhưng chẳng có cách nào khác. Cứ đi rồi sẽ đến!

An ủi duy nhất là cái thiện cuối cùng sẽ thắng, nếu không thì giờ đây ngồi trong hang, ăn lông ở lỗ làm sao ai có Facebook để like và unfriend nhau.

Köln 06.09.2017

T.N.

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Myanmar

(2) https://www.theguardian.com/…/rohingya-aung-san-suu-kyi-nob…

https://www.change.org/p/take-back-aung-san-suu-kyi-s-nobel…

Nguồn: http://ijavn.org/2017/09/aung-san-suu-kyi-va-cuoc-cach-mang-va.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn