Giải toả trắng

Các nhà quy hoạch đô thị, chính quyền TP HCM và nhiều người Việt coi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm là hiện thân của giấc mơ Việt thế kỷ 21. Nó biến một vùng mà họ cho là hoang vu thành một tiểu Singapore, một khu sình lầy hạ cấp thành một thế giới hào nhoáng cho một cuộc sống hiệu quả và mang tính toàn cầu.

Trong khi theo đuổi giấc mơ này, người ta sẵn sàng quên đi lịch sử của cư dân Thủ Thiêm, thậm chí khước từ nó quyền có một lịch sử. Thủ Thiêm được nhìn nhận như một chốn không người, một vùng đất hoang. Người ta hạ bút ký lệnh “giải toả trắng”. San bằng hết, không để lại thậm chí hai viên gạch chồng lên nhau. Không có gì được phép quấy rối sự hiện diện của tương lai.

Nhưng đây không phải là vùng đất hoang. Trong khu vực bị giải toả có gần 15 nghìn hộ gia đình sinh sống. Nó có nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá, một công trình và địa điểm tôn giáo quan trọng. Ngoài ra, theo Erik Harms, phó giáo sư nhân học, ĐH Yale, Mỹ, ở đây còn có 29 công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác nữa, bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, tịnh xá và nhà nguyện. Tới giữa 2016, ngoài chùa Liên Trì và nhà thờ, tu viện Dòng mến Thánh giá, tất cả đã bị phá huỷ hoặc di dời tới địa điểm mới, trong đó có ngôi đình cổ An Khánh nổi tiếng. Rạng sáng ngày 8 tháng 9 năm ngoái, một lực lượng 500 người tới chùa Liên Trì đọc lệnh cưỡng chế trước sự toạ kháng của các vị sư. Chứng kiến cảnh này, vị sư trụ trì phải đi cấp cứu.

Vậy là bây giờ chỉ còn nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá vẫn đấu tranh cho quyền được tồn tại trên mảnh đất của chính mình. Ở vị trí này, giáo đoàn Thủ Thiêm được thành lập năm 1840. Một nhà thờ gỗ được dựng lần đầu năm 1865 và được xây lại vào năm 1885. Năm 1930, một tháp chuông được dựng lên để treo năm quả chuông đồng được đúc tại Pháp trong khoảng thời gian 1889 - 1892.

https://scontent.fdad3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/15965137_10154873883867008_6434036655155997376_n.jpg?oh=8a4259d98286cdedc9722f6fdce94366&oe=58D6DCB8

Hiện nay, các cha và các sơ vẫn cần mẫn làm các hoạt động thường ngày của mình, tỉa cỏ, nuôi cá, trồng rau, dạy học. Các buổi lễ Chủ nhật vẫn kín người dân đã bị di dời nhưng vẫn quay về nghe giảng.

Họ còn ở đó được bao lâu nữa thì không rõ.

Trên Facebook cách đây hai ngày, lãnh sự quán Canada ở TP HCM đặt câu hỏi tại sao lại phải phá đi một nhà thờ có lịch sử lâu đời hơn cả quốc gia Canada.

Câu trả lời từ chính quyền và báo chí chính thống là: việc di dời công trình này là “cần thiết để nhằm phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.

Không rõ một nhà thờ 150 tuổi thì có thể cản trở sự phát triển của thành phố 8 triệu dân tới mức độ nào? Không rõ vì sao nó không được phép đứng cạnh các cao ốc văn phòng, Starbucks, KFC, rạp chiếu phim, siêu thị điện máy và shopping malls? Vì sao?

Các pano tuyên truyền treo ở Thủ Thiêm kêu gọi người dân chung tay xây dựng một thành phố không những “văn minh” và “hiện đại” mà còn “nghĩa tình”.

Xoay đi xoay lại cũng chẳng biết nên hiểu chữ “nghĩa tình” như thế nào. Nhưng với những người dân gắn bó với các đình, chùa, nhà thờ, tu viện ở Thủ Thiêm, hẳn nó giống như một cái tát vào mặt.

(Nguồn: Ảnh nhà thờ được lấy từ trang Facebook của Lãnh sự quán Canada tại TP HCM; thông tin về lịch sử nhà thờ được lấy từ cuốn “Luxury and Rubble: Civility and Dispossession in the New Saigon” của Erik Harms, Yale University)

Nguồn: https://www.facebook.com/giang.dang.9469/posts/10154873885202008

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn