Nguy cơ tiềm ẩn trong xây dựng cơ bản bởi “Điếc không sợ súng”

KTS Trần Yên Nguyên

Tình trạng phổ biến hiện nay trên toàn quốc là hầu như toàn bộ nhà dân được xây dựng bởi những người thầu khoán (không cần có thiết kế) mà phần lớn họ không có bằng cấp và không mấy người trong số họ hiểu biết về kết cấu công trình, về kỹ thuật thi công. Người làm đã liều nhưng người ở lại còn liều hơn bởi họ đâu có biết để mà sợ!!! 

Chỉ cần một sang chấn nhẹ của trái đất hoặc một sự cố gì đó của thiên nhiên không biết sẽ có bao nhiêu số phận ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà ngày lại ngày hàng trăm ngàn ngôi nhà “Điếc không sợ súng” vẫn cứ tiếp tục mọc lên, có nghĩa là lại có thêm hàng trăm ngàn người ngàn cân treo sợi tóc!!! Ai sẽ là tội phạm nếu thực sự thảm hoạ xảy ra - tôi không dám nặng lời nhưng tóm lại là chỉ vì “Không biết !” - mà không biết thì không có tội!!!

Có lần đã lâu lắm rồi tôi có việc vội nên đi tắt qua một công trường xây dựng ở thành phố Buôn Ma Thuột (công trường rất lớn, hình như là nhà 5 tầng mặt bằng một tầng rộng có lẽ khoảng trên ngàn mét vuông - Công trình nhà nước và đơn vị thi công cũng là doanh nghiệp nhà nước). Thấy công nhân đang đổ bê tông móng, thép chờ cổ móng thòi trên mặt bê tông bằng nhau chằn chặn cao khoảng 5 đến 6 cm, tôi hốt hoảng chạy về gọi phòng thẩm định Sở Xây dựng DAKLAK xuống đình chỉ thi công để chỉnh lý lại, may sao họ mới đổ được khoảng hơn 20 cổ móng. Tôi biết mấy ông B thi công công trình đó thế nào cũng nguyền rủa tôi, nhưng nếu ở vào hoàn cảnh như tôi tin chắc các bạn đồng nghiệp khác cũng buộc lòng phải hành động như vậy vì lương tâm nghề nghiệp.

Một lần khác đến thăm nhà một người quen bước trên sàn nhà tầng 2 mà sàn nhà rung đùng đùng như người sốt rét, tôi giật mình hỏi bác chủ nhà mới biết: “Sàn nhà chỉ rộng một chiều 4 m một chiều 5 m, thép Ø6 rải cách đều nhau 200 mm, sàn đổ dày gần một tấc rồi mà sao lại bị rung?”!!! Bác ấy đâu có biết lượng thép như vậy mới chỉ bằng khoảng nửa lượng thép cần để đảm bảo cho độ bền vững cho công trình.

Một lần khác nữa tới kiểm tra công trình do chính tôi thiết kế: “Xin lỗi! Các anh các chị làm ơn tháo dỡ hết ra làm lại hộ cho tôi. Sao lại chặt cụt hết cả móc neo vào cột của thép trên dầm thế này, lại nữa thép dưới sao lại nối giữa bụng dầm?”. Chị thầu khoán bình thản trả lời: “Gớm quá có mấy chục phân thép làm gì mà mày la làng ghê thế, còn nối thép hết đâu nối đó cho tiết kiệm có sao đâu”. Tôi bắt dỡ hết ra làm lại và tất nhiên từ đó không mấy vui khi hai bên gặp nhau. Bởi thưa quý vị chỉ đơn giản là cắt bớt đi mấy chục cm thép neo mắt khung, nhưng như thế vô tình ta đã thay đổi sơ đồ làm việc của hệ khung chịu lực, đang từ hệ khung cứng sơ đồ trở thành sơ đồ dầm đơn giản và như vậy thép bụng dầm phải tăng gấp đôi mới đảm bảo độ bền vững cho công trình, còn thép mà nối giữa bụng dầm phía dưới thì thanh thép đó không tham gia chịu lực.

Một ngôi nhà 2 tầng nứt xé từ móng lên đến tận mái, vết nứt lớn đến mức tôi thò cả cánh tay vào được, hỏi chủ nhà: “Móng bác làm thế nào mà để nhà nứt nguy hiểm thế này”? Bác ấy bình thản trả lời tôi: “Làm cẩn thận lắm, xây ba bốn lớp gạch, lại còn giằng bê tông cốt thép (BTCT) dày 1 tấc với 2 thanh thép Ø10, có lẽ tại cái hầm rút, mà nứt kệ nó, không sao đâu cô ạ”!!! Hầm rút là hố đào để tiêu nước thải các vùng không có hệ thống cống thoát nước ở các tỉnh Tây Nguyên. Đất đỏ bazan bình thường có cường độ 1 kg/cm2 < R < 2 kg/cm2 nhưng khi gặp nước nó chỉ còn khoảng 0,5 đến 0,7 kg/cm2 và tất nhiên khi hầm rút thấm ướt làm giảm cường độ chịu tải của nền móng, hiện tượng lún không đồng bộ đương nhiên sẽ gây xé nứt nguy hiểm cho công trình. Chắc chắn người thi công đã không quan tâm đến đặc điểm của đất đỏ bazan khi đặt hầm rút ngay sát cạnh móng công trình. Hiện tượng nhà bị xé nứt do hầm rút như thế này là tình trạng thường gặp ở công trình trên các tỉnh Tây Nguyên. Khi nghiên cứu đặc điểm của đất đỏ bazan, Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã thiết kế và xây dựng thực nghiệm hầm rút cho nhà nhiều tầng trong trường hợp không thể đưa được hầm rút ra xa công trình, chúng tôi xử lý bằng cách xây và trát kín thành hầm rút, đưa nước thải vượt qua miền đất chịu lực của móng công trình thấm sâu xuống lòng đất (không để nước thấm ngang trong khoảng độ sâu từ 3 đến 5 m tuỳ thuộc quy mô công trình). Công trình cao tầng thực nghiệm đã đưa vào sử dụng từ những năm 1993 - 1995 đến nay vẫn hoàn toàn đảm bảo bền vững không có hiện tượng xé nứt công trình.

Một ngôi chùa đang xây cổng (cái cổng cao trên 7 m và rộng hơn 6 m), tôi đi qua thì thấy thợ đang đổ bê tông móng, như một bệnh nghề nghiệp tôi liếc nhìn ngay thép móng, thì… “Thầy ơi, thầy cho ngừng lại ngay để chỉnh thép chân cột, buộc châu 4 chân vịt vào tâm cột thế này thì nguy quá. Thầy cứ tưởng tượng ta đứng quay 2 gót chân ra ngoài châu ngón chân vào trong thì chắc chắn sẽ ngã, cái chân cột cũng vậy thôi”. Mấy bác thợ xây nhao nhao lên mỗi người một câu, người thì bảo: “Bà biết gì mà nói”. Người thì nói: “Bà ta ưng nhận thầu mà không được nên phá đám đấy”!!! Thật đáng buồn thưa quý vị, khi ta mang lương tâm nghề nghiệp để cứu giúp chúng sinh thì thường gặp những chuyện hàm oan bởi những người “không biết!” Hàm hồ vậy đó!!!

Có lần một người quen nhờ tôi: “Cô ơi nhà cháu mới xây được vài tháng mà dầm, tường bị nứt lung tung cả, cô đến xem giúp hộ cháu có làm sao không? Và làm cách nào để sửa, cứ để thế trát vết nứt lại có được không?”. “Khi tới xem tôi mới biết nhà mái bằng đổ BTCT (mới xây tầng 1 và làm cầu thang để sẽ xây tiếp tầng 2) bước gian 5,2 m cột BTCT kích thước 200x200 dùng 4 Ø14, dầm 200x300 phía trên (phần bê tông chịu nén) bố trí 2 thanh thép Ø14, phía dưới (phần bê tông chịu kéo) bố trí 2 thanh thép Ø12. Thật khủng khiếp, chỉ có gan trời mới to đến như thế!!! Quý vị có thể ngờ được rằng với khẩu độ lớn như vậy thì thiết diện dầm và cột bê tông phải lớn hơn ít nhất gấp 1,5 lần, lượng thép bụng dầm phải lớn hơn gần 10 lần, thép cột cũng phải tăng ít nhất là gấp 2 lần mới đảm bảo độ an toàn cho công trình, nếu hiểu biết về kết cấu công trình, chắc chắn các quý vị không thể ăn ngon ngủ yên trong những ngôi nhà nguy hiểm đến như thế!!!

Cũng đã lâu lắm rồi có người quen nhờ tôi đến xem giúp móng của một ngôi nhà ở thành phố Huế, công trình đang đổ móng BTCT và xây hầm cầu, tôi giật mình khi thấy gia chủ bố trí hầm cầu đúng tâm nhà, tôi khuyên bác chủ cho chuyển hầm cầu sang vị trí khác, vì tâm nhà là nơi tập trung sinh khí, là nơi trang trọng để thờ cúng, bố trí hầm cầu vào vị trí đó tôi e gia chủ sẽ gặp nhiều điều bất lợi chẳng hạn như: ốm đau, tù tội, buôn thua bán lỗ, làm ăn khó khăn chật vật. Tất nhiên là gia chủ không tin và không nghe theo lời khuyên của tôi, sau này tôi nghe người quen nói lại công trình xây chưa xong thì ông chủ nhà đổ bệnh phải đi cấp cứu, người con trai thì phạm pháp đi tù, bà chủ thì là ăn buôn bán chật vật thua lỗ.

Thưa quý độc giả, phong thủy là môn khoa học rất phức tạp của người phương Đông nghiên cứu kết hợp giữa trời đất với con người, nhiều người khuynh gia bại sản cũng chỉ vì đang ăn nên làm ra xây sửa nhà mà không xem phong thủy. Phần lớn các bác thầu khoán và thậm chí cả các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng không phải ai cũng hiểu biết và cũng tin vào thần lực huyền bí của môn khoa học tinh tế này.

Mới đây có người bạn nhờ tôi thiết kế giúp nhà người cháu của anh. Tôi giao hồ sơ kiến trúc và hẹn khoảng 10 ngày sau giao hồ sơ kết cấu, 10 ngày sau tôi gọi anh bạn tới lấy hồ sơ kết cấu thì mới biết nhà cháu anh đã làm xong móng, đang xây tầng 1. Tôi hốt hoảng bắt anh bạn đưa ngay tôi đến kiểm tra công trình, đến nơi mới biết người thầu khoán cũng là kỹ sư xây dựng. Tôi thất kinh và bủn rủn chân tay khi biết nhà 3 tầng xây tường dày 220 chịu lực, móng băng BTCT đáy móng rộng 600 mm và độ sâu chôn móng là 600 mm ???!!! Thưa quý độc giả, tùy thuộc vào cường độ chịu tải của nền đất và tải trọng công trình nhưng với móng như thế này chỉ đủ chịu tải cho nhà 1 tầng mái bằng hoặc 2 tầng mái tôn. Chưa biết được điều gì sẽ xảy ra với công trình này – Tất cả chúng ta đành phải xin xem hồi sau sẽ rõ!!!

Vâng những chuyện tương tự như thế này thì nhiều lắm, biết nói gì nữa đây hỡi các bạn đồng nghiệp, có lẽ Đảng và chính phủ đã uổng công dạy dỗ và đào tạo chúng ta rồi bởi các bác thầu khoán có cần phải học đâu mà vẫn thắng thầu đều đều, cứ nhận cứ xây hết công trình này đến công trình khác. Nhưng thật ra lỗi đâu ở họ:

+ Lỗi là ở những người có học, có hiểu biết mà làm ngơ trước những thực tại đau lòng, làm ngơ trước sinh mạng của hàng trăm ngàn con người.

+ Lỗi ở người cấp giấy phép hành nghề cho các chủ thầu không có bằng cấp (ở đây mong các cơ quan chức năng lưu tâm đến hiện tượng thuê bằng).

+ Lỗi ở người cấp giấy phép xây dựng với hồ sơ thiết kế sơ bộ mà bỏ qua khâu kiểm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công.

Nếu chỉ cảnh báo vậy thôi mà không giải thích cặn kẽ thì những người “không biết” cũng không hiểu hết tầm nguy hiểm nghiêm trọng của những vấn đề tôi muốn nêu trong bài viết này. Thưa các quý vị độc giả, như chúng ta đã biết theo tiêu chuẩn quy phạm xây dựng cơ bản thì khi tổ hợp tải trọng để tính toán kết cấu công trình người làm công tác xây dựng phải tính toán cẩn thận đầy đủ các tải trọng và mọi yếu tố bất lợi nhất tác động lên công trình như:

1 - Tĩnh tải: Là tải trọng của chính bản thân vật liệu xây dựng.

2 - Hoạt tải: Là tải trọng có biến động như: con người, con vật, đồ đạc, máy móc thiết bị...

3 - Tải trọng gió bão: Là tác động của gió bão lên công trình.

Ngoài 3 loại tải trọng cơ bản nêu trên người ta còn phải tính đến cấp động đất, đến độ chịu lửa của vật liệu xây dựng để đưa ra các quy phạm tính toán thiết kế công trình. Những công trình “Điếc không sợ súng” vẫn còn tồn tại được bởi nó có thể đủ khả năng chịu được tĩnh tải và một phần hoạt tải, nhưng nếu có thêm tác động của gió bão, của động đất, của sóng thần thì...!!! Điều gì sẽ xảy ra???

Để có thể trở thành một kiến trúc sư, một kỹ sư xây dựng hay một cán bộ kỹ thuật trung cấp xây dựng người làm công tác xây dựng phải trải qua rất nhiều môn học, trong đó có các môn học cơ bản như: Cơ học lý thuyết, sức bền vật liệu, cơ học kết cấu, kết cấu bê tông, kết cấu thép, kết cấu gỗ, kết cấu nền móng công trình... Đó là những môn học rất khó, đòi hỏi người học phải thông minh và phải cẩn thận khi tính toán để đảm bảo độ bền vững cho công trình trước mọi biến động của tạo hoá.

Thưa quý vị, người làm ra của nhưng của cải vật chất không thể làm ra con người. Giá thiết kế phí không phải là cao, nó chỉ giao động trong khoảng >2% đến <5% so với giá trị xây lắp công trình, theo tôi thì giá thiết kế phí như vậy là quá rẻ mạt so với những gì mà người làm công tác thiết kế xây dựng mang lại cho cuộc sống bình yên, cho sinh mạng của con người và cho cảnh quan đô thị. Tôi thành thực khuyên các quý vị đừng hà tiện với mạng sống của chính mình!!!

Tôi biết bài viết này sẽ làm mất lòng không ít người, nhưng biết mà không nói thì có tội với lương tâm, có tội với nhân loại, mà nói thì có tội với người “không biết”!

Cho đến nay xem ra tình trạng các bác thầu khoán xây dựng nhà dân vẫn tiếp tục tùy tiện với mạng sống của đồng loại, bởi vậy tôi muốn gửi đến quý độc giả lời cảnh tỉnh những người “không biết!” để chúng ta cùng nhau cẩn trọng hơn trong công tác xây dựng cơ bản.

(Hà nội tháng 5 năm 2007)

(Phần này đã đăng tạp chí Người xây dựng số 5/2007 + Báo điện tử : Tonghoixaydungvn.org, và một phần của bài viết này đã đăng báo Xây dựng và báo Thừa Thiên Huế cuối tuần tháng 1/2005)

Bổ sung sau vụ sập nhà 43 Cửa Bắc:

Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc làm tử vong 2 nạn nhân, đắn đo suy nghĩ mãi tôi buộc lòng lại phải tiếp tục đưa lời cảnh báo đến chủ nhân các công trình và những nhà thầu xây dựng để cứu người dân vô tội không bị chết oan.

clip_image002

(Ảnh: Trang Tổng hội Xây dựng VN)

Khi nhận thầu thiết kế một công trình:

Bước 1 - Công việc đầu tiên của người nhận thầu là phải trình chứng chỉ hành nghề cho chủ đầu tư kiểm tra tư cách pháp nhân của người làm thiết kế.

Bước 2 - Ký hợp đồng giao việc với chủ đầu tư. Phải có dấu tư cách pháp nhân của đơn vị thiết kế.

Bước 3 - Phải khảo sát địa hình (phải kiểm tra hồ sơ thiết kế quy hoạch vùng của Sở Xây dựng – để biết mức độ và quy mô công trình được phép xây dựng trên địa phận chủ đầu tư yêu cầu thiết kế). Phải yêu cầu chủ đầu tư thuê khảo sát địa chất. Hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất phải được đơn vị có chuyên môn và có tư cách pháp nhân lập trình.

Bước 4 - Lập hồ sơ thiết kế xin giấy phép xây dựng.

Bước 5 - Lập hồ sơ thiết kế thi công và dự toán thiết kế.

Nếu các nhà thầu không tuân thủ đúng quy trình sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhất là khi công trình xảy ra sự cố ngoài ý muốn!!!

Khi nhận thầu thi công xây dựng một công trình:

Bước 1 - Trình chứng chỉ hành nghề và tư cách pháp nhân của đơn vị thi công cho chủ đầu tư kiểm tra.

Bước 2 - Kiểm tra giấy phép xây dựng để thi công công trình đúng với giấy phép được cấp.

Bước 3 - Nghiên cứu kỹ hồ sơ khảo sát địa hình, khảo sát địa chất và hồ sơ thiết kế thi công để đưa ra giải pháp thi công hợp lý, đảm bảo an toàn cho công trình liền kề và đảm bảo an toàn lao động.

Bước 4 - Trình báo chủ đầu tư và cán bộ giám sát kỹ thuật của chủ đầu tư nghiệm thu từng giai đoạn thi công đúng tiến độ đã lập trình.

Bước 5 - Khi thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thu đổ phế thải đúng nơi quy định. Dọn vệ sinh và bàn giao công trình sau khi đã hoàn thành đúng hợp đồng với chủ đầu tư.

Ngôi nhà 43 Cửa Bắc đã thi công không đúng giấy phép xây dựng. Đơn vị thi công không có giải pháp thi công đảm bảo an toàn cho công trình liền kề. Như chúng ta đã biết, gần như toàn bộ nền đất thành phố Hà Nội rất yếu có R tối đa trên dưới 1 kg/cm2 ở vùng đất chịu lực. Bởi vậy cần phải tính toán thật kỹ lưỡng giải pháp gia cố nền và biện pháp thi công mới đảm bảo an toàn cho công tác xây lắp. Nhà 43 Cửa Bắc bị sập vì nhà 41 thi công đào móng bằng máy xúc làm rung nền đất yếu, không đóng cọc cừ chắn để trôi đất nền nhà 43 qua nhà 41 làm lỏng và sụt lở đất nền. Nếu đơn vị thi công đóng cọc cừ và lèn đất chặt bảo vệ đất nền cho nhà 43, thảm họa đã không xảy ra – Đơn vị thi công và chủ đầu tư bị bị truy tố là hoàn toàn đúng vì họ đã vi phạm luật xây dựng – Xem như đã giết người vì liều lĩnh do thiếu kiến thức kỹ thuật thi công. Theo tôi pháp luật cần xử nghiêm minh để thảm họa không tiếp diễn trong xây dựng cơ bản.

Tiện đây tôi giới thiệu luôn để bạn đọc tham khảo công trình tôi đã nhận thầu thiết kế và thi công với địa hình phức tạp, không gian chật hẹp, nền móng quá yếu, vậy mà công trình 6 tầng + 1 tum đưa vào sử dụng từ 10/2013 cho đến nay vẫn hoàn toàn ổn định không hề lún, nứt. Không gây ảnh hưởng đến các công trình liền kề.

Năm 2012 tôi nhận thiết kế thi công nhà 6 tầng 1 tum ở phường Vĩnh Hưng quận Hoàng Mai với diện tích khu đất 52 m2:

1/ Kết quả khảo sát địa hình: miếng đất giáp ranh 05 nhà, 01 nhà liền kề sát cạnh cách nhau khe lún 5 cm (với đất miền chịu lực có R = 05 kg/cm2), chủ nhà đào móng sâu khoảng 1 m - đóng cọc tre gia cố nền rồi xây nhà 5 tầng – với nền móng và gia cố như vậy chỉ đảm bảo kết cấu cho nhà 2 tầng. Bởi vậy khi thi công liền kề không cẩn trọng sẽ rất dễ gây lún nứt hoặc sập ngôi nhà này. 4 nhà còn lại là nhà 2 – 3 tầng kết cấu gạch - 2 nhà cách 1 m và 2 nhà cách 1,5 m, làm thế nào để xây nhà 6 tầng 1 tum mà không ảnh hưởng đến kết cấu công trình và an toàn cho nhà liền kề ???

2/ Kết quả khoan khảo sát địa chất lớp 1 là đất lấp dày 1,9 m; lớp 2 đất dày 1,4 m có R = 0,7 kg/cm2; lớp 3 đất dày 1,9 m có R = 0,8 kg/cm2; lớp 4 đất là bùn nhão dày 8,8 m có R = 0,5 kg/cm2; lớp 5 đất dày 1,0 m có R = 1,0 kg/cm2; lớp 6 đất dày 3 m có R = 1,5 kg/cm2. Có nghĩa nếu không có biện pháp gia cố nền thì phải đặt móng sâu đến 18 m mới đảm bảo độ bền vững cho công trình. Tôi đã đưa kết quả khảo sát địa chất cho 3 kỹ sư kết cấu nhờ đến khảo sát địa hình và tư vấn, 2 người lắc đầu bỏ về ngay, người thứ 3 nói: “Theo em chị nên làm móng rồi để đó cho lún ổn định – 2 năm sau hãy xây tiếp”.

Nếu ép cọc bê tông dài 19 m đến 20 m chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công trình liền kề, chi phí ít nhất phải tốn khoảng trên 200 triệu cho việc gia nền công trình. Làm thế nào đây???

Ngày 2/11/2012 tôi đã tìm đến Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ xây dựng quốc tế Việt Nam do ông Đỗ Đức Thắng (giảng viên Đại học Xây dựng) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhờ giúp đỡ – Ông Thắng đã tư vấn cho tôi thi công gia cố nền theo phương pháp TOPBASE của Nhật Bản.

Trước tiên đào móng theo phương pháp thủ công - vì dùng máy dễ ảnh hưởng công trình liền kề. Khi móng đạt độ sâu 1,5 m so với cốt đất thiên nhiên thì ngưng đào và đóng cọc cừ sít nhau cách 15 cm một cọc thành hàng rào cho toàn bộ 4 cạnh khu đất xây dựng, đổ đất sau cọc cừ về phía móng nhà liền kề, lèn chặt đất để đảm bảo khi thi công không ảnh hưởng đến móng nhà liền kề. Đổ lớp cát lót dày 100 mm. Sau đó xếp sít các phễu nhựa TOPBASE theo vị trí thiết kế móng công trình. Phễu nhựa có đường kính 500 mm và cao 500 mm, đổ bê tông đá 4x6 mác 100 vào đầy các phễu, khoảng trống còn lại giữa các phễu lèn đá 4x6 đầm chặt. Vậy là đã gia cố xong nền, tiếp tục chất tải làm móng công trình. Nhưng các bạn phải nhớ móng công trình phải thu hẹp cách ranh giới xây dựng từ 900 mm đến 1200 mm, đến cốt 0.000 mới làm dầm coson vươn ra để gánh dầm đỡ tường bao công trình. Vấn đề quan trọng là gia cố toàn bộ nền theo phương pháp này rất an toàn mà chỉ mất tổng cộng khoảng 20 triệu đồng, rẻ bằng 10% phương pháp ép cọc bê tông!!!

Thật đáng tiếc vì tôi viết bài này quá muộn – nếu viết sớm hơn đã cứu được ngôi nhà 43 Cửa Bắc khỏi thảm họa. Các bạn thầu thi công xây lắp khi gặp phải các tình huống tương tự có thể liên lạc với tôi hoặc gọi trực tiếp nhờ anh Đỗ Đức Thắng tư vấn.

Chân thành chia sẻ với đồng nghiệp – Rất mong các bạn lưu tâm đừng để sự cố như 43 Cửa Bắc tiếp diễn trong tương lai!!!

Hà nội tháng 8 năm 2016
T.Y.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn