Hanoi Cinematheque và câu chuyện về các rạp phim nhỏ ở Paris

Nguyên Hạ

Bạn Nguyên Hạ hãy nhớ cho rằng ở VN hiện nay đang có một cuộc đảo lộn ghê gớm. Trong con mắt nhà cầm quyền, văn hóa làm sao sánh được với những đồng tiền xanh (USD) lúc nào cũng nhảy múa trước mắt. Họ đã bán gần như hết những quỹ đất công, những công sở có thể bán được rồi. Đang mót lắm. Cho nên lời lẽ thanh tao của bạn may ra được một số rất ít trí thức hiểu biết là nghe ra và hiểu ra thôi. Nhưng mà trí thức thì làm cái gì. Họ vốn tôn thờ ông Mao và hiện cũng đang tôn thờ kia mà (cứ hỏi ông Bí thư HN về gốc gác ông ta thì tự khắc rõ). Mà dưới mắt ông Mao trí thức chỉ là... “cục phân”, không hơn không kém. Thế thì nói với trí thức cũng chỉ bằng không thôi bạn ạ.

Bauxite Việt Nam

Cuộc tranh luận trên báo chí và mạng xã hội Việt Nam về việc Hà Nội sắp mất đi một rạp chiếu phim nhỏ – Hà Nội Cinematheque – do một người Mỹ yêu Việt Nam sáng lập và duy trì từ 14 năm nay đã bộc lộ một số khía cạnh trong bức tranh chung về văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.

Tôi thực sự ngạc nhiên trước luồng ý kiến ủng hộ việc phá bỏ nó cho rằng «muốn có cái mới thì phải phá đi cái cũ» và ngôi nhà ấy quá cũ kỹ, thậm chí đổ nát, chủ nhân không biết phải làm gì với nó, thậm chí không có tiền để tu sửa nâng cấp nên cần phải bán nó đi để người ta phá đi, xây một trung tâm thương mại hiện đại trên mảnh đất «vàng» ấy. Cái Mới hẳn sẽ sinh lời, thậm chí rất có lời, dưới góc độ kinh tế và kinh doanh, hơn rất nhiều việc duy trì cái Cũ, tức là để lại ngôi nhà như hiện tại, với một rạp chiếu phim nhỏ xíu thưa thớt khách bởi chỉ chiếu dòng phim nghệ thuật, phim tài liệu so với những rạp lớn phần lớn chiếu phim bom tấn, phim thương mại như CGV, Galaxy, Cineplex.

clip_image002

Rạp Le Lucernaire, quận 6

Những người ủng hộ cái Mới với quan điểm như trên hẳn ít biết rằng ở những nước khác, chẳng hạn ngay giữa kinh đô điện ảnh thế giới như thủ đô Paris của nước Pháp, có vô số những rạp chiếu phim nhỏ – gọi là các rạp phim độc lập (salles de cinéma indépendantes) – cách gọi để phân biệt với các cụm rạp của các «ông lớn» như UGC hay MK2, Gaumont-Pathé chiếu chủ yếu phim bom tấn, phim thương mại. Các rạp phim nhỏ này chuyên chiếu những dòng phim riêng. Chúng có những khán giả riêng, và dù nhỏ, dù vắng khách, các rạp phim nhỏ vẫn tồn tại, vẫn có chỗ đứng riêng trong đời sống nghệ thuật sôi động của Paris. Phần lớn những rạp phim nhỏ này có mô hình hoạt động khá giống với Hanoi Cinematheque, nghĩa là chuyên chiếu các phim độc lập, phim nghệ thuật, phim kinh điển, phim tài liệu – những dòng phim khá kén khách. Một số rạp chuyên về phim nước ngoài như rạp Louxor nổi tiếng từ những năm 1920 chú trọng các phim Nam Mỹ, châu Á và châu Phi. Rạp Le Lucernaire gần vườn Luxembourg chủ yếu khai thác dòng phim độc lập của Pháp và châu Âu, đồng thời cũng dành không gian cho kịch, nhiếp ảnh và ẩm thực. Rạp L'Escurial ở quận 13, thành lập từ năm 1911, khai thác dòng phim kinh điển và những năm gần đây thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim ngắn (court-métrages), v.v. Nhiều rạp hoạt động như những câu lạc bộ điện ảnh, kết hợp chiếu phim đồng thời tổ chức các sự kiện, liên hoan, các hội thảo về điện ảnh, gặp gỡ giữa các nhà làm phim, các nghệ sĩ với khán giả.  

Trong số hơn 400 rạp chiếu phim ở Paris, có tới 150 rạp nhỏ độc lập, và trong số các rạp độc lập có khoảng gần 40 rạp nhỏ được xếp loại rạp «Nghệ thuật và Thử nghiệm» (Art et Essai), nghĩa là những rạp chuyên trình chiếu quảng bá phim độc lập đạt các tiêu chí do Bộ Văn hóa Pháp quy định để được nhận tài trợ từ ngân sách Nhà nước. Trung bình mỗi rạp «nghệ thuật và thử nghiệm» này nhận được khoảng 30 000 – 40 000 euros tài trợ mỗi năm từ ngân sách Nhà nước nhằm giúp các rạp duy trì hoạt động, do dòng phim độc lập khó cạnh tranh với phim bom tấn, phim thương mại.

clip_image003

Rạp Le Louxor, quận 10

clip_image004

Rạp L'Escurial, quận 13

Có một số rạp phim nhỏ phải đóng cửa, nhưng không phải do bị thâu tóm hay tranh giành địa thế, dù phần lớn các rạp nhỏ ở Paris đều nằm ở những trí đắc địa, trên những mảnh đất «vàng», mà chủ yếu do không trụ được với sự cạnh tranh gay gắt và sự thay đổi thói quen đi rạp xem phim của khán giả trong thời đại Internet. Nhưng phần lớn các rạp nhỏ ở Paris vẫn đứng vững, vẫn đóng vai trò không nhỏ trong đời sống nghệ thuật phong phú đa dạng của thành phố Ánh Sáng. Điều đó có được không chỉ nhờ chính tình yêu nghệ thuật của người Pháp mà còn do những chính sách bảo trợ văn hóa bài bản, có tầm nhìn từ phía chính quyền.

Cái Mới, nếu chiến thắng cái Cũ, đôi khi không phải vì nó ưu việt hơn hay tốt hơn cho số đông, mà đơn giản là đó là ý muốn và lợi ích của một nhóm nhỏ hơn, nhưng mạnh hơn, quyền lực hơn.

Nhưng vẫn có thể tìm ra giải pháp để hòa hợp giữa cái Mới và cái Cũ, để cái Mới không nhất thiết phải triệt tiêu, xóa bỏ cái Cũ. Tại sao không? Nếu như không có giải pháp nào tối ưu hơn thì ít nhất một trung tâm thương mại mới, hiện đại được xây lên vẫn có thể dành một không gian nhỏ cho một không gian văn hóa đã là một địa chỉ quen thuộc với công chúng, để nó tiếp tục những sứ mệnh của riêng mình và phát triển lên trên nền tảng đã có. Như thế, cái Mới và cái Cũ có thể cùng phát triển, thậm chí còn bổ sung và mang lại cho nhau những giá trị, những thế mạnh của riêng mình. 

Phá bỏ dễ hơn là xây mới. Bảo tồn khó hơn là đập bỏ. Và ứng xử với văn hóa cần có chiều sâu văn hóa và một tầm nhìn dài hạn. 

Sẽ thật đáng tiếc nếu như một rạp phim nhỏ độc lập hiếm hoi ở Hà Nội, sau 14 năm đã trụ được và trở thành một không gian văn hóa yêu thích của một bộ phận công chúng Hà Nội yêu nghệ thuật lại có một kết cục buồn. 

N.H.

Nguồn: http://www.diendan.org/Doi-song/hanoi-cinematheque-va-paris

clip_image005

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn